Trà mạn là gì?

Trà Việt thường được chia thành 3 nhóm chính là trà tươi, trà mạn và trà hương. Trong đó các loại trà hương như trà sen, trà lài thường được ướp thêm hương hoa để dậy mùi… Riêng trà tươi được pha trực tiếp từ lá trà tươi, phần lá này không trải qua quá trình chế biến, sao khô. Còn trà mạn là loại trà làm từ lá đã qua chế biến, sao khô, có mùi thơm tự nhiên, mộc mạc, không ướp thêm hương hoa.

Trà mạn rất phổ biến trong văn hóa trà Việt Nam, đó chính là loại trà xanh cánh đen xám, hình móc câu mà hầu hết các gia đình đều có. Người ta thường pha trà mạn thưởng thức hàng ngày hoặc để mời khách đến chơi. Mỗi dịp thờ cúng, chén trà mạn cũng thường xuất hiện cùng nhiều đồ lễ khác trên ban thờ.

Trà xanh Thái Nguyên chính là loại trà mạn nổi danh hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó các nông trường trồng chè tại nước ta ngày càng phát triển, mang đến những sản phẩm trà mạn đa dạng cho thị trường. Đặc trưng của trà mạn vẫn là màu nước xanh vàng sóng sánh, vị chát ấn tượng mà dịu êm, để lại hậu ngọt khó quên sau mỗi ngụm trà.

Trải qua thời gian, uống trà mạn không chỉ là một thói quen thường ngày, đó còn là một thú vui, một nét văn hóa với giá trị tinh thần đậm nét. Người sành trà thường rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn trà và dụng cụ pha trà, tinh tế trong thao tác uống trà.

Tuy vậy nhưng thưởng thức trà mạn không để cao sự cầu kỳ mà quan trọng là tinh thần thư thả, lấy trà làm duyên. Uống trà là để tĩnh tâm suy nghĩ, hoặc để kết mối tâm giao giữa những người cùng thưởng thức. Người Việt khi uống trà thường nhận lấy chén trà bằng hai tay, nhâm nhi từng ngụm nhỏ, trân trọng hương vị đến giọt cuối cùng.

Để có một chén trà ngon trọn vẹn, đầu tiên bạn hãy chọn loại trà mạn thơm nhẹ tự nhiên, cánh cong móc câu màu đen xám, trên thân còn phủ lớp màu trắng nhẹ, ít vỡ vụn.

Bạn nên sử dụng bộ ấm chén bằng gốm sứ truyền thống để giữ nóng lâu và phù hợp với hương vị trà nhất. Hãy tráng dụng cụ trước khi pha trà.

Lấy một chút trà vào ấm, đổ nước nóng xâm xấp mặt trà rồi bỏ đi. Bước này sẽ làm sạch và khai mở vị trà.

Thêm nước vào gần đầy ấm, đậy nắp và chờ cho trà ngấm trong khoảng 2-3 phút.

Khi rót trà, hãy rót mỗi chén một chút, rồi quay vòng đến khi các chén được rót đầy. Như vậy vị trà ở tất cả các chén đều cân bằng.

Sau khi rót hết lượt đầu, bạn có thể chế thêm lượt 2-3 lượt nước.

Thưởng thức trà mạn cùng các loại bánh kẹo cổ truyền như kẹo lạc, chè lam, bánh chả, bánh trung thu sẽ rất ngon.

Cách uống trà mạn có lợi cho sức khỏe

Uống trà thường xuyên rất tốt cho sức khỏe, bởi trà là nguồn cung cấp các chất chống lão hóa, vitamin C và nhiều dưỡng chất có lợi khác, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, tinh thần sảng khoái, giảm căng thẳng.

Tuy nhiên bạn hãy lưu ý một số điều dưới đây để việc uống trà thực sự hữu ích:

Không uống trà lúc đói bụng, bởi trong trà có chất tanin làm cho dạ dày tiết ra nhiều axit hơn, tạo cảm giác cồn cào khó chịu. Người có vấn đề về dạ dày cũng không nên uống trà mạn nhiều.

Không uống trà vào tối muộn. Chất caffeine trong trà có tác dụng tạo cảm giác hưng phấn tỉnh táo nhưng có thể gây bồn chồn, mất ngủ với những ai không quen uống trà.

Không uống trà mạn để qua đêm ở môi trường bên ngoài. Đặc tính có lợi của trà sẽ giảm đi, đồng thời các chất khác sản sinh ra không có lợi cho sức khỏe.

Không dùng trà để uống các loại thuốc vì có thể các chất trong trà sẽ có phản ứng với thuốc.

Phụ nữ mang thai và người thiếu máu không nên uống nhiều trà mạn, bởi trà mạn có chứa tanin, có thể làm giảm hấp thu sắt – yếu tố rất quan trọng với hai đối tượng trên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *